Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Khái quát ngành Công thương Bình Thuân 40 năm xây dựng và phát triển.
Trải qua 40 năm từ sau ngày giải phóng, ngành Công Thương Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà...



Trải qua 40 năm từ sau ngày giải phóng, ngành Công Thương Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Hiện nay, toàn ngành Công Thương đóng góp khoảng 70% tổng GRDP của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Hoạt động sản xuất công nghiệp có sự chuyển biến rõ rệt; thương mại nội địa không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng; thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới khoảng 48 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2006 - 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ xã hội bình quân đạt 18,35%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 12,16%/năm.

     * Trên lĩnh vực công nghiệp

     Sau ngày giải phóng, tiếp nhận các cơ sở CN-TTCN ở vùng tạm chiếm với thiết bị củ kỹ, lạc hậu, không đồng bộ; cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật phần lớn là người trong gia đình truyền nghề theo kiểu “Cha truyền con nối”, sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán, khai thác tiềm năng của địa phương rất ít và mất cân đối nghiêm trọng nhiều mặt. Năm 1975, toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở sản xuất CN-TTCN với khoảng 2.000 lao động, tập trung ở các thị xã, thị trấn ở các ngành nghề sửa chữa ô tô, đóng sửa tàu thuyền, sản xuất nước mắm, nước đá, cưa xẻ gỗ. Điện lực tỉnh tiếp quản được hầu như nguyên vẹn các nhà máy nhiệt điện và đã duy trì phát điện liên tục cho các phụ tải sẵn có nhưng để duy trì việc cung cấp điện và phát triển phụ tải mới phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong điều kiện bao vây, cấm vận kinh tế, ngành điện đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thiết bị, phụ tùng thay thế sửa chữa và thực hiện phát điện luân phiên cho các phụ tải.

     Để phục vụ hoạt động của các ngành kinh tế và nhu cầu đời sống nhân dân, ngành CN-TTCN đã tiến hành cải tạo các cơ sở tiếp thu được đồng thời xây dựng mới một số cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên sẵn có và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tập trung trong các ngành nghề sản xuất xà phòng, đồ nhựa, phân bón, thức ăn gia súc, ép dầu, chế biến hải sản, sản xuất dược phẩm, gạch ngói, đồ gỗ dân dụng, cơ khí sửa chữa...

     Bước sang thời kỳ đổi mới, công nghiệp quốc doanh được đầu tư một số dự án trọng điểm, công nghiệp dân doanh được tạo điều kiện phát triển mạnh, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trong một số ngành nghề mới góp phần đưa SXCN-TTCN trong tỉnh tiến lên một bước mới. Một số doanh nghiệp lớn đã và đang hình thành đóng vai trò chủ lực trong hoạt động sản xuất của ngành. Cùng với việc đưa tuyến đường dây 66 kV Tháp Chàm - Phan Thiết vào hoạt động đã góp phần giải quyết thiếu điện trầm trọng cho sản xuất và sinh hoạt.

     Giai đoạn 2006 - 2015, xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc khó khăn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp nên đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số sản phẩm lợi thế tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường và tăng trưởng nhanh như hải sản chế biến, nước khoáng Vĩnh Hảo, nước mắm. Ngoài ra, còn có thêm một số sản phẩm mới như: Thủy điện, điện gió, nhựa composite, đồ gỗ trang trí nội thất, giấy dính,…

     Đồng thời, để định hướng phát triển sản xuất công nghiệp trong thời giai tới, ngành Công thương đã xây dựng các Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2020 trên các lĩnh vực ngành công nghiệp như: Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp, Quy hoạch phát triển điện lực, điện gió… và tham mưu ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CN-TTCN, khuyến công, khuyến khích cải tiến đổi mới công nghệ, thiết bị.

     Đến nay, đã và đang triển khai thi công hạ tầng 6 khu công nghiệp, thu hút 50 dự án đầu tư (35 dự án đầu tư trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với diện tích đất cho thuê là 174,82 ha, tổng vốn đầu tư 3.032,47 tỷ đồng và 131,49 triệu USD. Có 22/32 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó đã hoàn thành đầu tư hạ tầng 2 cụm CN, đang triển khai đầu tư 7 cụm CN và chuẩn bị thủ tục đầu tư 4 cụm CN; thu hút 141 dự án, giải quyết việc làm hơn 4.700 lao động. Hoàn thành và đưa vào hoạt động 02 dự án điện gió với tổng công suất 36 MW; đang triển khai thi công 02 nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (tổng công suất 2.444 MW), 05 nhà máy thủy điện (tổng công suất 73,5 MW) và 02 dự án điện gió (công suất 58 MW); chuẩn bị khởi công 02 nhà máy nhiệt điện còn lại trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (tổng công suất 3.180 MW), chuẩn bị thủ tục đầu tư 01 dự án thủy điện (công suất 18 MW), 01 dự án điện gió (công suất 30 MW). Hoàn thành 260 km tuyến đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, 207 km tuyến đường dây 220 kV. Hiện nay, điện lưới quốc gia đã đưa đến 100% xã với trên 98,68% hộ được sử dụng điện. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

     Theo quy hoạch trên lĩnh vực điện lực, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm sản xuất điện với quy mô lớn bao gồm: Trung tâm điện lực Vĩnh Tân 6.224MW, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ 3.900MW, các nhà máy điện gió với tổng công suất 700MW; đồng bộ là các tuyến đường dây và các trạm biến áp 500, 220, 110kV để thực hiện truyền tải và phân phối điện.

     * Trên lĩnh vực thương mại:

     Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975-1985), nhiệm vụ chủ yếu của  ngành thương nghiệp Bình Thuận trong giai đoạn này là thu mua sản phẩm địa phương theo chỉ tiêu pháp lệnh và phân phối hàng hoá (chủ yếu là nhu yếu phẩm, mặt hàng thiết yếu) theo tiêu chuẩn, định lượng cho các đối tượng trong tỉnh. Tổng trị giá thu mua sản phẩm địa phương và tổng trị giá bán ra (kể cả điều động cho Trung ương) tăng hàng năm. Năng lực sản xuất kinh doanh và mức đóng góp vào ngân sách toàn ngành tăng khá nhanh. Hoạt động kinh doanh ăn uống và dịch vụ được chú trọng. Giai đoạn này, Thương nghiệp Bình Thuận gặp không ít khó khăn do cơ chế tập trung bao cấp, kinh tế lạm phát cao...

     Bước vào thời kỳ đổi mới, vượt qua những khó khăn và thử thách của việc chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, hoạt động thương mại ngày càng ổn định và phát triển. Thị trường nội địa ngày càng được mở rộng, giao lưu hàng hoá trong tỉnh và với cả nước thông suốt. Quy mô giá trị của ngành thương mại, dịch vụ liên tục tăng với tốc độ cao qua các năm: năm 2000 đạt 2.486 tỷ đồng, năm 2005 đạt 6.753 tỷ đồng, năm 2010 đạt 15.473 tỷ đồng, năm 2014 đạt 26.868 tỷ đồng và ước tính năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 36.400 tỷ đồng. Hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó kinh tế tư nhân và cá thể chiếm trên 90% thị phần; thêm vào đó, để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kích cầu tiêu dùng nội địa, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh triển khai và đạt một số kết quả nhất định. Công tác quản lý thị trường được thực hiện tốt và có hiệu quả, góp phần kiềm chế, kiểm soát giá cả và bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

     Các quy hoạch trên các lĩnh vực thương mại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; xăng dầu; khí dầu mỏ hóa lỏng được xây dựng với vai trò là cơ cở để định hướng và phát triển ngành. Hạ tầng thương mại từng bước phát triển và đổi mới với nhiều loại hình khá đa dạng và phong phú. Giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh có 147 chợ, 01 siêu thị, 220 cửa hàng xăng dầu (03 tàu dầu trên biển) và 235 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, được phân bố khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đóng vai trò là kênh phân phối quan trọng, cung cấp hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Sự xuất hiện của siêu thị Coopmart Phan Thiết từ năm 2007 đã tạo tiền đề thúc đẩy hình thành và phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại, đồng thời là nơi giới thiệu các mặt hàng đặc trưng của tỉnh với du khách du lịch khi đến với Bình Thuận. Từ năm 2011 đến nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tiếp tục được quan tâm triển khai, đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 30 chợ; phát triển thêm 24 cửa hàng xăng dầu (02 tàu dầu trên biển), 82 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; việc hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Phan Thiết vào cuối năm 2013 (vốn đầu tư 45 triệu USD) tiếp tục góp phần thay đổi diện mạo bán lẻ, thói quen mua sắm của người dân và du khách, thúc đẩy hình thành và phát triển các phương thức kinh doanh văn minh, hiện đại, nhiều tiện ích tại các địa phương như: cửa hàng tự chọn G7, siêu thị chuyên doanh,... Điểm nổi bật của giai đoạn này là việc hoàn thành và đưa vào hoạt động Kho trung chuyển xăng dầu Hòa Phú (sức chứa 32.000 m3) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bình ổn thị trường xăng dầu và là nơi dự trữ, tiếp tế, trung chuyển xăng dầu cho công tác an ninh, quốc phòng khi cần thiết, nhất là đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

     Hoạt động xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng được duy trì qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đồng đều giữa các nhóm hàng. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng, thương hiệu một số doanh nghiệp có uy tín dần được khẳng định. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; các thông tin về chính sách, các rào cản kỹ thuật thương mại từ các nước nhập khẩu… luôn được cập nhật thường xuyên và kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đã có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của tỉnh như hải sản, thanh long, hạt điều nhân, may mặc, cao su; đặc biệt may mặc luôn phát huy vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với tốc độ tăng trưởng khá cao (hiện chiếm tỷ trọng khoảng 34% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh).

     Tóm lại, ngành công thương Bình Thuận 40 năm xây dựng và phát triển, đổi mới và hội nhập đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, song nhìn tổng thể, đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần tạo sự chuyển biến trong đời sống xã hội chung của tỉnh; đã thu hút đầu tư tạo hạ tầng kinh tế - xã hội lớn như: Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Khu, cụm công nghiệp chế biến sa khoáng titan, Kho trung chuyển xăng dầu, Trung tâm thương mại tạo đà thực hiện vững chắc hơn công cuộc CNH, HĐH đất nước./.

Văn Lợi (Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Bình Thuận


Các Tin khác
    Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (28/02/2024)
    Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững (23/02/2024)
    Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh và Hội Nữ doanh nhân tỉnh chúc Tết UBND tỉnh (02/02/2024)
    Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh (19/01/2024)
    Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổng kết công tác năm 2023 (19/01/2024)
    Làm việc với Tham tán Thương mại Israel tại Hà Nội (17/01/2024)
    Họp Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ IV (2019 – 2024) (22/12/2023)
    Bế mạc kỳ họp thứ 19 - HĐND tỉnh khóa XI (08/12/2023)
    Trao tặng Học bổng cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn (20/11/2023)
    Hiệp hội Doanh nghiêp tỉnh Bình Thuận tổ chức trao tặng 20 bộ máy vi tính cho Trường học (15/11/2023)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 3

Lượt truy cập: dem truy cap 4475115

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833