Sáng 6/11, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững”... Sáng 6/11, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã đến dự. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh; các chuyên gia, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận.
Hội thảo nhằm đánh giá điều kiện phát triển du lịch xanh, bền vững tại tỉnh và đề xuất một số mô hình du lịch xanh áp dụng tại tỉnh để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế cho ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để các đại biểu trao đổi, cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, đưa ra các kiến nghị phù hợp cho chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động du lịch tại tỉnh.
Là tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm trong lành, cùng nhiều bãi biển sạch đẹp, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, chất lượng được nâng lên. Bên cạnh các sản phẩm thế mạnh về thể thao biển, nghỉ dưỡng biển, tỉnh cũng đang phát triển du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: Hồ, thác, khu bảo tồn, du lịch cộng đồng… Nhờ đó, lượng khách đến với Bình Thuận ngày càng tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 8,1 triệu lượt khách, tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 20.886 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng, đây cũng là cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Với quyết tâm, định hướng phát triển du lịch “xanh”, bền vững, năm 2023 tỉnh Bình Thuận vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế, chuyển đổi số nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng nhanh chóng với xu thế toàn cầu; tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi xanh còn khá thấp, các mô hình về du lịch xanh còn manh mún, chưa có nhiều đột phá.
Khẳng định việc phát triển mô hình du lịch xanh mang rất nhiều ý nghĩa với tỉnh Bình Thuận. Phát triển du lịch xanh không chỉ giúp bảo tồn và phát huy văn hóa, bản sắc địa phương; mà còn góp phần tạo nên hướng đi bền vững, xây dựng giá trị lâu bền cho chuỗi sản phẩm du lịch. Lãnh đạo tỉnh hy vọng các chuyên gia sẽ có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực thi khung pháp lý mới hiệu quả. Về phía tỉnh sẽ có những chính sách, chủ trương phù hợp để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển các mô hình du lịch xanh tiềm năng của Bình Thuận.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan đến tầm quan trọng trong phát triển bền vững ngành du lịch và tiêu chí đánh giá du lịch xanh; các điều kiện phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận và cơ hội, thách thức đặt ra với chính quyền, doanh nghiệp; mô hình du lịch xanh tiềm năng hiệu quả… từ đó đề ra một số giải pháp cần quan tâm để phát triển du lịch xanh tỉnh Bình Thuận.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nâng cao giá trị văn hóa địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục. Với tiềm năng sẵn có, Bình Thuận hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế cả nước. Để làm được điều này, lãnh đạo địa phương cần có các quyết sách phù hợp, khuyến khích tinh thần chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp du lịch. Cùng với đó, chính quyền và doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc đầu tư hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các thương hiệu điểm đến để phát triển du lịch xanh hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như: Để du lịch trở nên phổ biến và hiệu quả cần sớm xây dựng các tiêu chí về xanh, đồng thời chính quyền, các cơ quan liên quan cũng nên rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng…
Nguồn: https://binhthuan.gov.vn/