Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Muốn thắng thầu phải “đi đêm”




(DĐDN) - Theo các chuyên gia, tình trạng chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà thầu làm ăn chân chính, có năng lực thực sự. Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Đấu thầu lần này, cần bổ sung quy định nhằm giảm thiểu các công trình, dự án thực hiện theo kiểu chỉ định thầu.

Muốn thắng thầu, doanh nghiệp phải “giỏi chạy”

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây tại Hà Nội, LS Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC cho biết: “Thời gian qua, mặc dù đã có Luật Đấu thầu nhưng 75% các gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm đến 45% tổng vốn đầu tư. Việc chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí…”,

Theo ông Huỳnh, vì chỉ định thầu tràn lan mà dẫn đến hiện tượng “đi đêm", không chọn được nhà thầu có năng lực, làm cho việc triển khai dự án kém hiệu quả. Điều này không chỉ làm lãng phí, thậm chí thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của những doanh nghiệp là nhà thầu chân chính, có năng lực thực sự.

Đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng chỉ định thầu hiện nay vẫn phổ biến. Nhiều gói thầu không thuộc trường hợp chỉ định thầu nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn trình Thủ tướng đề nghị áp dụng chỉ định thầu. Đã vậy, toàn bộ quá trình đấu thầu chủ yếu do chủ đầu tư quyết định khép kín và không có cơ quan giám sát, thẩm tra. Nhiều nơi còn có tình trạng dàn xếp, thông đồng giữa các nhà thầu khiến cho việc đấu thầu chỉ mang tính hình thức.

Là một nhà thầu có năng lực, nên ông Phạm Trọng Vân – Giám đốc Tổng CTCP Xây dựng An Bình (Nghệ An) không e dè khi nói thẳng sự thật: “Là người nhiều năm lăn lộn trong thi công xây lắp, tôi khẳng định, đa số các nhà thầu được chỉ định không phải vì họ giỏi, có năng lực cạnh tranh hơn các doanh nghiệp khác. Trái lại, có những DN năng lực yếu kém cả về đội ngũ nhân lực, trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính…. Nhưng sao họ lại được chọn? Đơn giản bởi họ giỏi “chạy”, giỏi “đi đêm””.

Tình trạng đó đã tác động tiêu cực đến các nhà thầu làm ăn chân chính, có kinh nghiệm và thực lực trong triển khai các hạng mục mà chủ đầu tư đề ra, ông Vân cho biết. Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Tổng Cty Xây dựng An Bình đề nghị, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần đưa ra những quy định theo hướng giảm thiểu các công trình, dự án triển khai theo hình thức chỉ định thầu, thay vào đó là tăng cường đấu thầu cạnh tranh, công khai. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách chỉ định thầu sai quy định, thậm chí có biểu hiện “đi đêm” với nhà thầu nhằm “rút ruột” ngân sách.

Ông Vân cũng thẳng thắn đề xuất:“Chỉ có tăng cường đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng, thì mới vừa giúp Nhà nước ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng cho dự án. Đây còn là cách thiết thực hỗ trợ các DN làm ăn chân chính thắng thầu trong một môi trường cạnh tranh bằng trí tuệ và năng lực thực sự, chứ không phải bằng chạy chọt”.

Đồng quan điểm với ông Vân, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm đề nghị, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần tạo ra những quy định mới, đồng bộ và chặt chẽ nhằm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Muốn vậy, Luật cần đưa ra những quy định có tính đến đặc thù của các nhà thầu khác nhau, tránh cào bằng như hiện tại. Cụ thể, tiêu chí về vốn, năng lực tài chính, công nghệ của nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị trong lĩnh vực xây dựng phải khác với nhà thầu tư vấn, giám sát thi công…

Sẽ phổ biến rộng rãi hình thức đấu thầu qua mạng

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 2 năm thí điểm đấu thầu qua mạng, hình thức này đang được nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.

Theo ông Tăng, ưu điểm của đấu thầu qua mạng là các nhà thầu, nhà đầu tư không biết mặt nhau nên loại trừ được yếu tố quen biết, phòng chống được tham nhũng. “Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, nhà đầu tư có thể đăng ký đấu thầu ở mọi lúc, mọi nơi. Sau các thủ tục đăng ký, buổi mở thầu cũng chỉ diễn ra 5 phút, máy ghi lại tất cả số liệu của nhà thầu, các giao dịch trên mạng… Như vậy hình thức đấu thầu này vừa phòng chống được tham nhũng vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí” – ông Tăng nói.

Ông Tăng cho biết thêm, hiện có 3.500 doanh nghiệp và hàng ngàn chủ đầu tư đã đăng ký để cấp chữ ký số. Tuy nhiên các nhà thầu còn đang lấn cấn. Bên cạnh khả năng tiếp cận thông tin của chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế thì một số chủ đầu tư hiện vẫn còn ngập ngừng trước hình thức này khi thấy những khó khăn về công nghệ thông tin, đường truyền…Để giải quyết vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ tiến hành đào tạo đấu thầu qua mạng trên đài truyền hình nhằm phổ biến kiến thức về hình thức này bởi đây là một nhu cầu lớn của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, một thực tế hiện nay là hệ thống công nghệ thông tin vẫn chưa tốt, nhiều khi tải một bản vẽ lớn thường bị nghẽn mạng. Để giải quyết vấn đề hạ tầng viễn thông thực hiện đấu thầu qua mạng, Bộ KH&ĐT đang thực hiện theo hình thức PPP, đã lựa chọn được nhà tư vấn. Hiện Dự án đang trong quá trình viết báo cáo khả thi, sau đó viết hồ sơ mời thầu. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, giỏi về công nghệ thông tin xây dựng hệ thống thì sẽ đưa vào vận hành và thu phí trong quá trình sử dụng mạng để bù đắp lại chi phí. Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu tin rằng, đến năm 2013 – 2014, khi dự án thành công, tốc độ đấu thầu qua mạng sẽ tăng lên nhanh chóng.

Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định: “Hình thức đấu thầu, mua sắm qua mạng sẽ giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để mỗi gói thầu có giá phù hợp nhất. Từ năm 2009-2011, Việt Nam đã thí điểm thành công đấu thầu qua mạng. Vì vậy, đây là thời điểm để pháp lý hóa quy định đấu thầu qua mạng, mở rộng phạm vi áp dụng cũng như thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả đầu tư công, đấu thầu”.

Hồ Hường


Các Tin khác
    Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Cơ hội, thách thức – Doanh nghiệp Bình Thuận chủ động, linh hoạt, thích ứng, vượt khó để phát triển bền vững (29/03/2024)
    Khai mạc chuỗi sự kiện “Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận” (20/10/2023)
    Nghị định số 10/2023 của Chính phủ về các điểm mới đất đai (27/07/2023)
    NGHỊ ĐỊNH SỐ 44/2023/NĐ-CP VỀ GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (06/07/2023)
    Thủ tướng chỉ đạo cắt giảm một loạt thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy; kinh doanh cầm đồ,... (08/06/2023)
    Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với tỉnh Lâm Đồng (29/05/2023)
    Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (25/05/2023)
    Khóa đào tạo Quản trị doanh nghiệp về “Quản lý sản xuất và kiểm soát chi phí hiệu quả trong doanh nghiệp” (20/04/2023)
    Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II, năm 2022 – 2024 (31/03/2023)
    Triển khai Chương trình “Hóa đơn may mắn” (28/10/2022)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 25

Lượt truy cập: dem truy cap 4476420

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833