Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Doanh nhân Việt Nam: Đại diện cho sức sản xuất mới


Thứ Hai, 07/02/2011 - 08:01

Doanh nhân Việt Nam: Đại diện cho sức sản xuất mới

Làm sao để phát huy được vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là chủ đề câu chuyện mà TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi trong dịp đầu Xuân Tân Mão.

Ông Vũ Tiến Lộc: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới
- Thưa ông, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có được những bước phát triển mạnh mẽ. Từ góc nhìn của người đứng đầu cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cá nhân ông đã thấy yên tâm với sự phát triển này chưa?

Trong những năm qua, có thể nói, các doanh nhân đã đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội. Doanh nhân đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Riêng khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. Nếu tính cả khu vực của hộ kinh doanh cá thể thì mức đóng góp của các doanh nhân cho nền kinh tế còn cao hơn nhiều.

Tuy vậy, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế, số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé, kém xa so với khu vực và thế giới, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Đội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động.

- Việt Nam chưa bao giờ đứng trước cơ hội lớn như hiện nay để phát triển, nhưng cũng phải đối diện với nhiều thử thách đến mức chỉ cần chủ quan hay lơi lỏng là có thể kẹt vào bẫy “nước thu nhập trung bình”. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có vai trò thế nào trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thưa ông?

Trong giai đoạn phát triển tới của đất nước, cần xác định đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới.

Để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, cần thống nhất nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khuyến khích tinh thần kinh doanh trong xã hội, tôn vinh doanh nhân, khẳng định sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân. Xác định đúng quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nhân đối với công cuộc phát triển đất nước.

- Thưa ông, bàn đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, không thể tách khỏi yếu tố môi trường kinh doanh. Muốn tạo dựng một môi trường hấp dẫn cho thu hút đầu tư, cần phải chú trọng điều gì?

Cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy ý chí kinh doanh. Công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Chúng ta cũng cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Bên cạnh đó, không thể thiếu việc xây dựng pháp luật cho việc tạo lập đồng bộ các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học - công nghệ. Hoàn thiện pháp luật về tài chính công, cải cách pháp luật thuế. Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên môi trường, bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu lực xét xử của tòa án, khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.

Giai đoạn qua, chúng ta đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Quá trình này cần phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Những kết quả tích cực từ quá trình cải cách hành chính đã tạo cho chúng ta động lực và quyết tâm để tiếp tục quá trình cải cách chính mình này. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân.

- Hiện nay vẫn còn nghịch lý về việc các doanh nghiệp chưa được đối xử công bằng trong việc tham gia vào khu vực kinh doanh chính thức. Vậy làm sao để có được đội ngũ doanh nghiệp đa dạng và phát triển mạnh mẽ, thưa ông?

Đúng là chúng ta cần phải xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, cũng như mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Song song với đó, cũng cần chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn.

Muốn có đội ngũ doanh nhân mạnh, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm hỗ trợ khu vực hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp và đăng ký đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa, thúc đẩy hình thành và phát triển một số doanh nghiệp lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thâm nhập vào thị trường thế giới thông qua các chuỗi sản xuất và cung ứng.

Cũng cần phải triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nhân xúc tiến thương mại, đầu tư, nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm dịch vụ. Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ và thị trường của các doanh nhân.

- Văn hóa doanh nhân là vấn đề đã được đề cập nhiều như “gót chân Ashin” của doanh nhân Việt Nam. Điều này phải chăng xuất phát từ chính việc chúng ta thiếu một hệ thống đào tạo căn bản cho đội ngũ này?

Muốn tạo được chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân, cần phải xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, cần triển khai rộng khắp chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, bảo đảm các doanh nhân được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo nâng cao và cập nhật kiến thức cho doanh nhân. 

5 triệu là số lượng doanh nhân Việt Nam đang hoạt động trong các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cá thể

Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng trong giáo dục công dân và đào tạo doanh nhân. Cần phải đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Liên quan đến hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, “bà đỡ” phải khỏe thì doanh nghiệp mới mạnh? 

Chúng tôi nhìn nhận, cần tiếp tục xây dựng và củng cố VCCI thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ doanh nhân. Song song đó, mở rộng và liên kết hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước, triển khai đồng thời hai nhiệm vụ đại diện cho các doanh nghiệp và giới sử dụng lao động, xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động thuận hòa; tăng cường quan hệ đối thoại, hợp tác giữa các cơ quan chính quyền với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp.

- Thưa ông, một vấn đề cốt yếu nữa là việc thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng đối với doanh nhân. Cần phải có những chương trình hành động cụ thể gì?

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân thông qua những chương trình như: Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Cần thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Đảng bằng các chương trình hành động cụ thể. Triển khai công tác phát triển Đảng, phấn đấu có tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân theo đúng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục thực hiện chủ trương Đảng viên làm kinh tế tư nhân và thí điểm kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, trước mắt có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

- Liên quan đến việc xây dựng những chuẩn mực của doanh nhân, theo nhìn nhận của ông, cần phải chú trọng đến những tiêu chí gì?

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đội ngũ doanh nhân cần hướng tới các phẩm chất quan trọng: có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, có khát vọng kinh doanh, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng và xã hội, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Doanh nhân thân thiện với môi trường, thân ái với cộng đồng, thân thuộc với người lao động.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Song Nhân (thực hiện)

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Các Tin khác
    Tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày doanh nhân Việt Nam” (16/10/2023)
    Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh khu vực Đông Nam bộ (25/05/2023)
    Nghệ sĩ hội tụ cùng doanh nhân tại chương trình Nhạc hội Gala Doanh nhân 3 miền (25/11/2022)
    Khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu (13/10/2022)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2022)
    VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam (24/05/2022)
    Thủ tướng Chính phủ gặp mặt Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (08/03/2022)
    Nữ doanh nhân thầm lặng làm việc thiện (20/10/2021)
    Tạo hình ảnh đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân (13/10/2021)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2021)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 54

Lượt truy cập: dem truy cap 4471920

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833