Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát


25/02/2011 - 12:32 AM

CHÍNH PHỦ HỌP ỔN ĐỊNH KINH TẾ
Thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát
Tạm dừng mua ôtô, máy lạnh; cắt giảm tối đa hội nghị, hội thảo, công cán trong và ngoài nước; dừng khởi công dự án sử dụng vốn Nhà nước…

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, sáng 24-2, Chính phủ đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để triển khai ngay những giải pháp chủ yếu, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ngay trong ngày, Nghị quyết 11/NQ-CP về vấn đề này cũng đã được Chính phủ ban hành.

Giải thích cho tính cấp bách, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: Kinh tế trong nước thời gian qua chịu ảnh hưởng của việc nới lỏng chính sách tiền tệ; một số vật tư đầu vào là điện, xăng dầu một thời gian dài dồn nén về giá, gây thua lỗ lớn vượt khỏi khả năng hỗ trợ của ngân sách, giờ phải điều chỉnh tăng giá. Tình hình trên đẩy lạm phát cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt ngay, tập trung vào năm nhóm lớn.

Sẽ xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do

Trong nhóm chính sách tiền tệ, nhiệm vụ quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 dưới 20% (năm 2010 tới 31%), mức tăng tổng phương tiện thanh toán 15%-16% (năm 2010 là 26%). Cụ thể, phần cắt giảm này tập trung vào tín dụng phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II, Chính phủ sẽ ban hành nghị định theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Giải thích rõ hơn giải pháp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Dứt khoát các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải bán tất cả ngoại tệ có được cho ngân hàng. Phải làm ngay, nếu cần thiết Thủ tướng sẽ có chỉ thị. Bộ Công an phối hợp với các địa phương kiểm tra việc kinh doanh ngoại hối, không thể để đôla hóa nền kinh tế tới mức thịt cũng tính giá bằng đô. Đề nghị đồng chí Sinh Hùng sớm họp, có giải pháp chống buôn lậu vàng”.

Dừng khởi công dự án sử dụng ngân sách

Nhóm giải pháp thứ hai là tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Trong đó, phấn đấu tăng thu ngân sách 7%-8% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Chú trọng các biện pháp chống chuyển giá, lỗ giả lãi thật ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương chủ động sắp xếp lại nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại (trừ các khoản có tính chất lương và chi chế độ chính sách).

Ông Hùng lưu ý, khoản tiết kiệm này không được chi dùng cho nhiệm vụ khác như các năm trước mà chờ theo dõi diễn biến lạm phát, nếu giữ được ở mức một con số mới tính việc sử dụng. Cơ quan, công sở sử dụng ngân sách trên cả nước tạm dừng mua sắm ôtô, điều hòa, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện nước, điện thoại, xăng dầu, văn phòng phẩm. Cắt giảm tối đa hội nghị, hội thảo, sơ - tổng kết, công cán trong và ngoài nước… Những việc ấy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thi hành.

Ngoài các khoản chi mang tính thường xuyên trên, các bộ, ngành, địa phương không được khởi công các công trình, dự án mới sử dụng ngân sách hoặc vốn trái phiếu Chính phủ (trừ dự án phòng chống thiên tai cấp bách hoặc dự án trọng điểm quốc gia). Các dự án đã triển khai thì không ứng trước vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ của năm sau (2012) như các năm trước. Ngân hàng Phát triển giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng Nhà nước.

Để triển khai nhóm giải pháp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết ngay trong chiều 24-2 sẽ triển khai chín đoàn kiểm tra, rà soát công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước; xác định cụ thể cái nào ngừng, hoãn, giãn tiến độ cũng như việc thu hồi, điều chuyển những khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, kịp đề xuất Thủ tướng hướng xử lý trong tháng 3. Còn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động rà soát dự án của mình, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4 và lập danh mục dự án cắt giảm đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5.

Nhóm giải pháp này phải hướng tới mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP so với chỉ tiêu 5,3% Quốc hội giao.

Điện, xăng, dầu chưa thể có lãi

Nhóm giải pháp thứ ba là tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, theo đó cố gắng kéo nhập siêu xuống mức 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (kế hoạch đầu năm là 18%). Với những ngành sản xuất dựa vào đầu vào giá điện thấp (như thép, năm qua xuất khẩu tới 1 tỉ USD bằng việc nhập phôi, dùng điện giá rẻ trong nước để cán, bán thành phẩm), Bộ Tài chính sẽ có biện pháp điều tiết lợi nhuận. Với những ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản tiếp tục cho tạm hoàn thuế VAT và cho miễn, giảm, gia hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào…

nhóm giải pháp thứ tư, sau hơn một năm trì hoãn, níu giá điện ở mức quá thấp dưới giá thành và chưa thị trường hóa quản lý giá xăng, dầu, Chính phủ đã quyết định tăng giá điện và giá xăng, dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết việc điều chỉnh trên mới chỉ là “một bước”, đã tính toán khả năng chịu lỗ, bù lỗ của ngân sách và ảnh hưởng tiêu cực của tăng giá năng lượng. Với bước đi này, phải hết năm 2012 may ra mới thị trường hóa giá điện được. Và như thế, trong năm nay, ngành điện tiếp tục lỗ, đồng thời cả điện và xăng dầu phải tiếp tục treo hàng chục ngàn tỉ đồng lỗ lũy kế từ các năm trước, chưa thể có lãi để bù đắp.

Hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo

Nhóm giải pháp quan trọng thứ năm là tăng cường bảo đảm an sinh xã hội. Điểm mới là trong lần điều chỉnh giá điện này, lần đầu tiên Chính phủ có chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, 30.000 đồng/tháng tới các hộ nghèo. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khoản hỗ trợ này sẽ được thực hiện theo quy trình: Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển tiền cho Bộ LĐ-TB&XH; sau khi các địa phương rà soát và có danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ Bộ sẽ chuyển tiền về chi trả.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng cách làm này gây khó khăn, chậm trễ. TP.HCM dự kiến sẽ ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay cho các hộ nghèo, kịp chi trả tiền điện trong tháng 3, tháng bắt đầu áp dụng giá điện mới. Các địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Dăk Lăk cũng băn khoăn quy trình này, đề nghị có giải pháp khác, trực tiếp, đơn giản hơn.

Giải thích thêm về chính sách này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết hiện cả nước có 60% hộ sử dụng điện ở mức dưới 50 kW/tháng, trong đó 30% là hộ nghèo. Số này đều được hỗ trợ gián tiếp bằng mức giá điện thấp. Tuy nhiên, còn nhiều hộ nghèo khác ở vùng chưa có điện lưới nên không được hưởng. Nay cách làm mới, chi trực tiếp tiền hỗ trợ, ở mức tương đương 1/2 tiền điện một tháng (nếu sử dụng trong khoảng 50 kW/tháng) thì hộ nào tiết kiệm điện hoặc chưa có điện lưới cũng đều được hưởng toàn bộ, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của chính sách an sinh.

Ngoài các giải pháp lớn trên, ở nhóm giải pháp thứ sáu, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ, cung cấp kịp thời, đầy đủ để báo chí thông tin chính xác về các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả và an sinh xã hội để dân hiểu, đồng thuận.

Bộ trưởng Bộ Tài chính
VŨ VĂN NINH:

Tăng giá rồi vẫn tạm thời chưa lãi

Điều chỉnh giá điện như hiện nay là ở mức rất nhỏ, chưa thể bù lỗ cho các khoản lỗ lũy kế của ngành điện thời gian qua. Còn xăng dầu thì đã đi theo thị trường từ cuối 2009 nhưng đến 2010, vì lạm phát mà Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh. Việc kìm nén ấy gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Giá bán của ta thấp hơn Lào 8.000 đồng/lít.

Để có lãi và bù được lỗ năm trước để lại thì xăng phải tăng giá cỡ 6.400 đồng/lít. Nhưng như vậy thì tác động xấu kinh tế-xã hội nên lần này Chính phủ chỉ cho điều chỉnh một bước, tăng 2.900 đồng/lít, trên nguyên tắc Nhà nước lùi thuế, doanh nghiệp thì tạm thời chưa có lãi và lỗ cũ treo lại.

Phó Thủ tướng
NGUYỄN SINH HÙNG:

Quan trọng là tạo niềm tin

Hiện ngoại tệ găm giữ trong dân, doanh nghiệp còn tới 21 tỉ USD. Nhưng xảy ra căng thẳng là do doanh nghiệp sợ còn biến động, điều chỉnh tỉ giá nên không bán cho ngân hàng. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải minh bạch, tạo bình ổn, niềm tin, thu hút nguồn ngoại tệ lớn này. Khi thấy sử dụng tiền Việt có lợi hơn thì xã hội sẽ không mua, sử dụng, tích trữ đô nữa.

Hôm qua, tôi làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế, họ nói: “các ngài còn dư 2,5-3 tỉ USD trong hệ thống, vậy sao lại để trạng thái âm?”. Như thế để thấy quan trọng nhất là điều hành sao cho mềm mại, uyển chuyển thì sẽ sớm lấy lại ổn định.

NGHĨA NHÂN

Theo Báo PL TP.HCM


Các Tin khác
    Giới thiệu Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng (03/05/2024)
    Khai mạc Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận tại TP. Hồ Chí Minh (22/04/2024)
    V/v thông tin chương trình Hội chợ - Du lịch - Xuất nhập khẩu thương mại - kết nối giao thương với Thành phố công nghiệp Sihueng năm 2024 (15/04/2024)
    Doanh nghiệp Việt Nam với xu hướng "chuyển đổi kép" (11/04/2024)
    V/v cập nhật danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp (29/03/2024)
    Năm 2024 - VCCI sẽ tiếp tục đổi mới, lớn mạnh, khẳng định vị thế, vai trò (11/03/2024)
    Phát triển kinh tế đêm: Phan Thiết sẽ làm thí điểm (25/12/2023)
    Khai mạc Hội chợ triển lãm Công Thương - Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2023 (20/10/2023)
    Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Thuận (21/08/2023)
    UBND tỉnh họp thảo luận Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 (14/08/2023)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 5

Lượt truy cập: dem truy cap 4475880

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833